Hust_Logo_New2.png

BannerHUST1.jpg


Việt Nam "hứng" rác công nghệ: Ai hưởng lợi nhất?

27/03/2015

Càng hội nhập càng phải sàng lọc để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ và không gián tiếp giết chết cơ khí trong nước.

Ông Đào Phan Long, Hiệp hội cơ khí Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của Hiệp hội khi bàn về Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến để hoàn thiện.

Không thể cho nhập thả phanh!

Theo ông Long, quan điểm của Hiệp hội về việc sửa đổi Thông tư 20 nên theo hướng quy định cụ thể cho từng ngành, không nên quy định chung chung như trước.

Chẳng hạn với máy công cụ thì có điều kiện riêng, máy xây dựng, khai thác mỏ, máy móc luyện kim, dệt may, chế biến nông hải sản... cũng có những quy định cụ thể.

Ngoài ra nên quy định rõ nguồn thiết bị nhập về phải thuộc các nước tiên tiến, có công nghiệp chế tạo máy phát triển mạnh, chẳng hạn như nhóm G7, Nga, Hàn Quốc…

Theo quy định hiện nay tại Thông tư, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam phải có tuổi đời chưa quá 10 năm, và chất lượng còn 80% so với máy mới… bị doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ứng gay gắt.

Ông Long cho rằng: "Nước nào cũng phải có hàng rào ngăn công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ. Vì thế có ý kiến cho rằng bỏ Thông tư 20 là không được. Còn chuyện phản ứng là đương nhiên nhưng nếu không có hàng rào thì chúng ta sẽ trở thành bãi rác công nghệ.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là phải có sự giao hòa giữa chất lượng thiết bị công nghệ và các tiêu chí quy định.  Nếu không thì cơ khí trong nước chết. Hai nữa để thả phanh nhập vào sẽ thành bãi rác công nghệ", ông Long nhấn mạnh.

Theo đó ông cho rằng, cơ quan quản lý cần phải xem cái nào đã qua sử dụng nhưng còn tốt, hiệu quả thì xem xét nhập ra sao. Từ đó đưa ra những tiêu chí, quy định cụ thể để các doanh nghiệp cứ thế áp theo.

"Các nước phát triển họ phải giữ thị trường từng tí một chứ không cho nhập ồ ạt vào. Chúng ta phát triển sau nên đôi khi phải chấp nhận. Tuy nhiên phải thấy rằng ai sẽ là người được lợi nhất khi công nghệ cũ được đưa vào Việt Nam?", ông Long đặt câu hỏi nghi vấn.

Ở đây cần phải xem xét có nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn bán đồ cũ cho Việt Nam nhưng khi có thông tư này họ cuống lên lo lắng và không muốn thông tư ban hành.

"Tôi ủng hộ Thông tư 20 nhưng phải giao hòa lợi ích quốc gia và doanh nghiệp và phải có tiêu chí cụ thể.  Càng hội nhập càng phải sàng lọc để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ và không thể gián tiếp giết chết cơ khí trong nước", ông Long nhấn mạnh.

máy gia công cơ khí cũ

Nếu để 'thả phanh' nhập thiết bị cũ nguy cơ biến Việt Nam thành 'bãi rác' công nghệ là hiện hữu

Nên để thị trường quyết định

Ở góc độ doanh nghiệp, KS Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất-thương mại-dịch vụ Thiết Bảo - một đơn vị chuyên sản xuất các thiết bị tự động, cho rằng nên để thị trường quyết định chứ không nên dùng một biện pháp hành chính để ngăn cản.

"Khi doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, ví dụ 1 triệu đô la để mua máy móc sẽ phải cân nhắc mua thiết bị mới hay thiết bị dây chuyền đã sử dụng rồi. Đã là túi tiền của doanh nghiệp thì chắc chắn họ không thể nhập một thứ máy móc về mà không có hiệu quả", KS Bảo nói.

Dẫn ví dụ những máy công cụ cổ điển, ông Bảo cho biết có những cái chế tạo từ thập niên 80-90 nhưng vẫn rất tốt thì không có lý do gì phải mua máy mới bởi vì quá đắt. Thế nhưng các máy thế hệ tự động hóa CNC thì không thể mua đồ cũ được.

Tuy nhiên, đó là phía doanh nghiệp tư nhân. Còn nếu dùng kinh phí của nhà nước thì lại là chuyện khác.

"Ví dụ dùng ngân sách để nhập thiết bị cũ thì phải xem nó có hiệu quả hay không hay nhập về chưa kịp làm gì đã đắp chiếu, trùm mền không dùng được. Cho nên phải phân định giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Nếu là doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra là tiền túi, đi vay ngân hàng, người thân để mua nên chắc chắn họ sẽ có những tính toán cẩn thận, cân đong. Hiệu quả bao nhiêu năm, kiếm được bao nhiêu tiền.

Còn nếu là doanh nghiệp nhà nước, chỉ cần một chữ ký để nhập về hết nhiệm kỳ là xong thì cũng phải xem. Nếu dùng ngân sách để đầu tư thì thực sự phải suy nghĩ. Ngay cả việc lập hội đồng để phán xét cũng chưa chắc yên tâm", ông Bảo nêu vấn đề.

Do đó bảo lưu quan điểm của mình về việc giao cho doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình, song KS Bảo cho rằng có cách quản lý khác mà buộc doanh nghiệp phải chọn thiết bị tốt.

Theo đó ông cho rằng cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như yêu cầu đầu ra của thiết bị.

Ví dụ phải đạt tiêu chuẩn EURO bao nhiêu; hiệu quả kinh tế môi trường ra sao; tiêu năng lượng, khí thải như thế nào...

"Chỉ cần đưa ra những hàng rào mà nhà nước ban hành theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thải nước, khí, bụi như thế nào thì đương nhiên các doanh nghiệp sẽ không thể nhập thiết bị lạc hậu về", KS Bảo góp ý.

theo Báo Đất Việt

HUST VIET NAM JSC

Văn phòng Hà Nội: I01 - L05, KĐTM Dương Nội, phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

ĐT: (+84) 24 2239 8811

Văn phòng Bình Dương:  Số 30/1 ĐL Hữu Nghị, khu phố Bình Đáng, P. Bình Hòa, Tp. Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Tel: (+84) 24 2239 8811

Email: info@hust.com.vn

© 2014 Bản quyền thuộc về Công ty Hust Việt Nam.