Hust_Logo_New2.png

BannerHUST1.jpg


Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư dự án lĩnh vực bảo vệ môi trường Cơ hội rộng mở với doanh nghiệp

11/06/2015

Xanh hóa sản xuất thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh là chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Các thể chế, chính sách khuyến khích đầu tư đã có, mở ra cơ hội cho các, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư dự án môi trường.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi

Công ty TNHH Phát triển thương mại và sản xuất Đại Thắng hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, tái chế phế liệu kim loại, là lĩnh vực mới, được Chính phủ khuyến khích đầu tư, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh của thành phố. Vừa qua, công ty đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại theo mô hình 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Theo Nghị định 19/2015/NĐCP của Chính phủ về “ Ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường”, công ty đủ điều kiện được hưởng ưu đãi về đất, vốn, miễn giảm thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường, trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhưng phần lớn số kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy, gần 100 tỷ đồng, doanh nghiệp (DN) đều tự xoay xở, tìm kiếm từ nhiều nguồn vốn vì chưa được tiếp cận vốn vay theo cơ chế ưu đãi về bảo vệ môi trường.

doanh nghiệp môi trường xử lý chất thải nguy hại

Chuyện DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi bảo vệ môi trường đang diễn ra khá phổ biến. Ông Hoàng Anh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại Hải Đăng chuyên đầu tư lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp cho biết: thời gian qua, có quá ít cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, cả về nguồn vốn và công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu xử lý, tái chế chất thải, công ty tiếp tục đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nhưng huy động vốn từ các thành viên trong công ty không đủ. Do đó, DN tìm đến ngân hàng, các quỹ hỗ trợ nhằm tìm kiếm các giải pháp tài chính. Song việc vay vốn từ các ngân hàng, quỹ tín dụng không dễ do lãi suất cao, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, trong khi DN chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

DN đầu tư vào lĩnh vực môi trường cần chi phí rất lớn, thời gian hoàn vốn dài... Vì vậy, họ rất cần có những cơ chế tín dụng với nhiều thuận lợi và ưu đãi hơn .

Đáp ứng đủ điều kiện, thực hiện đúng cam kết

Những khó khăn trong việc tìm các nguồn vốn vay phục vụ phát triển sản xuât của DN trong lĩnh vực môi trường đang dần được khắc phục bởi sự ra đời của nhiều quỹ tín dụng đáp ứng cho yêu cầu hoạt động của các dự án, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường.

Với mục đích thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án trong lĩnh vực này thành phố thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường. Trong năm 2015, quỹ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đơn vị, tổ chức tham gia đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; nước thải, xây dựng các trạm xử lý nước thải; dự án xử lý khí thải; dự án tiết kiệm năng lượng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường…Bên cạnh đó, còn có nhiều quỹ tín dụng hỗ trợ DN thực hiện dự án, chương trình bảo vệ môi trường.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hợp tác với Ngân hàng Thế giới tiến hành hướng dẫn các chủ đầu tư vay vốn ưu đãi để xây dựng mới, sửa chữa các dự án môi trường. Theo đó, các chủ đầu tư có thể vay tối đa đến 5 triệu USD, với lãi suất 6,8%/năm. Thời gian cho vay từ 15 đến 20 năm. Những đối tượng được vay ưu đãi là DN trong nước, chủ đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, được mở rộng hoặc tiến hành đầu tư mới.

Tương tự, Quỹ Tín dụng xanh (thuộc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam) đang triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho các DN có kế hoạch đầu tư công nghệ sạch hơn, với mức bảo lãnh tối đa 50%/tổng giá trị khoản vay. Đồng thời, bảo lãnh 50% vốn vay của DN tại các ngân hàng. Những loại hình công nghiệp được tiếp cận nguồn vốn này là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim và sản xuất hóa chất.

Đặc biệt, từ cuối tháng 3-2015, Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị 03/CT- về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015 hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được khuyến khích ưu tiên cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các quỹ tín dụng này đều có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Quỹ Tín dụng xanh xây dựng 15 tiêu chuẩn cụ thể để các DN tự đối chiếu điều kiện vay vốn, như: DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; sản xuất từ 6 tháng trở lên ; vốn điều lệ lớn hơn 5 triệu USD ; hơn 500 công nhân; DN trong nước hoặc liên doanh nhưng vốn phía Việt Nam phải chiếm hơn 51%. Đối với Quỹ Bảo vệ môi trường, các chủ đầu tư phải đáp ứng tiêu chí: cam kết có hệ thống xử lý nước thải tập trung; cam kết chỉ có một đầu xả thải, vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định hiện hành và nước thải sau khi xử lý phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn quy định,....

Có thể thấy rằng, việc tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường không còn là chuyện quá khó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn được hưởng sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để đáp ứng các điều kiện cụ thể, bảo đảm  thực hiện đúng cam kết đề ra.

Theo Báo Hải Phòng

HUST VIET NAM JSC

Văn phòng Hà Nội: I01 - L05, KĐTM Dương Nội, phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

ĐT: (+84) 24 2239 8811

Văn phòng Bình Dương:  Số 30/1 ĐL Hữu Nghị, khu phố Bình Đáng, P. Bình Hòa, Tp. Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Tel: (+84) 24 2239 8811

Email: info@hust.com.vn

© 2014 Bản quyền thuộc về Công ty Hust Việt Nam.