Hust_Logo_New2.png

BannerHUST1.jpg


Tạo sự bình đẳng trong phân bổ nguồn lực cho doanh nghiệp

12/06/2015

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, nhiều chuyên gia cho rằng, một số chính sách mà Việt Nam đang áp dụng chưa thực sự phát huy hiệu quả để tháo gỡ những nút thắt trong môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng; tăng trưởng đang lấy lại đà phục hồi một cách ổn định và vững chắc; an ninh trật tự và an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Đồng thời, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 sẽ đạt 6,2%, thậm chí có thể còn cao hơn. Song, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự khởi sắc; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thị trường xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều khó khăn. Những yếu kém nảy sinh không chỉ do các yếu tố khách quan như sự bất ổn về kinh tế thế giới, mà còn do nhiều yếu tố chủ quan của nền kinh tế.

Nhấn mạnh 3 khâu đột phá trong thời gian qua là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cải cách đầu tư công để tập trung có hiệu quả vào xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào các ngành như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, bảo đảm hoạt động quản trị có hiệu quả, kinh doanh tốt và khắc phục nhanh nợ xấu xuống mức 3% trong năm 2015. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và giảm mạnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, phân bổ nguồn lực, vốn, đất đai đối với các doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân cũng như thu hút và tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Phân bổ nguồn lực cho doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam Sherry Boger cho biết, năm 2015, năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy có nguồn vốn FDI. Chỉ 36% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% các SMEs Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của SMEs trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Do đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng cả về phần cứng và phần mềm có thể giúp tăng tỷ lệ này lên đáng kể.Theo đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Virginia B.Foote, một trong những nút thắt lớn hiện nay và là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp, là thủ tục hành chính. Đặc biệt, vẫn còn những quy định khác biệt giữa công ty nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, cụ thể là, hiện Việt Nam vẫn còn 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bà B.Foote cho rằng số lượng các ngành nghề có điều kiện của Việt Nam nhiều hơn so với các nước, trong khi quy trình của các nước chỉ có một bộ phê chuẩn, song ở Việt Nam, lại cần phải có sự phê duyệt của bộ chủ quản với nhiều thủ tục rườm rà.

Ông Sherry Boger cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể hưởng lợi từ các nguồn vốn và công nghệ trên thế giới, tiếp cận thị trường toàn cầu. Việt Nam cần ban hành pháp luật mới về SMEs và lựa chọn năm lĩnh vực để phát triển các cụm công nghiệp và sản phẩm trong chuỗi giá trị gồm: điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp, du lịch.

Cũng theo ông Sherry Boger, các kế hoạch hành động của Việt Nam cần bao gồm hợp tác với khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, giúp Chính phủ và các doanh nghiệp xác định các chính sách ưu đãi để phát triển SMEs thành công ở các nước khác cũng như các yêu cầu cho việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường hỗ trợ các cụm công nghiệp. Việt Nam có khoảng 400 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho các lĩnh vực và khu vực kinh doanh cụ thể. Những hiệp hội này cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh và thị trường cho các hội viên, cũng như thực hiện đào tạo phục vụ phát triển kinh doanh và xuất khẩu. Với vai trò nâng cao khả năng cạnh tranh của các SMEs trong nền kinh tế xuất khẩu như những nhà xuất khẩu và nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI, các hiệp hội có thể kết nối hỗ trợ của Chính phủ trong các lĩnh vực chính nêu ở trên.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa. Để giúp khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có các chương trình hành động tổng thể để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa được cải thiện đáng kể trong suốt thời gian dài vừa qua, gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Mặc dù, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP. Điều này cho thấy, khu vực tư nhân hoạt động còn quá manh mún.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập, rất cần cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các FTA đối với doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành các luật và nghị định để tăng cơ sở pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Đối với các doanh nghiệp FDI, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo báo điện tử Đại Biển Nhân Dân

HUST VIET NAM JSC

Văn phòng Hà Nội: I01 - L05, KĐTM Dương Nội, phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

ĐT: (+84) 24 2239 8811

Văn phòng Bình Dương:  Số 30/1 ĐL Hữu Nghị, khu phố Bình Đáng, P. Bình Hòa, Tp. Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Tel: (+84) 24 2239 8811

Email: info@hust.com.vn

© 2014 Bản quyền thuộc về Công ty Hust Việt Nam.