Hust_Logo_New2.png

BannerHUST1.jpg


Khi địa phương từ chối dự án FDI

06/05/2015

Không còn thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng mọi giá như ở thời kỳ đầu thu hút đầu tư, các địa phương đang bắt đầu nói “không” với những dự án có thể gây ô nhiễm môi trường, khai thác không hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước hoặc sử dụng phần lớn lao động phổ thông…

Các doanh nghiệp dệt may nước ngoài đón đầu việc ký kết TPP

Các doanh nghiệp dệt may nước ngoài đang hướng vào Việt Nam để đón đầu việc ký kết TPP

Thẳng thắn nói “không”

Giữa lúc kết quả thu hút vốn FDI cả nước trong ba tháng đầu năm nay bị sụt giảm đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái, thông tin chính quyền thành phố Đà Nẵng từ chối đến hai dự án FDI vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và chính quyền một số địa phương khác.

Đó là dự án xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc với số vốn đầu tư dự kiến lên đến 200 triệu đô la Mỹ của tập đoàn Dệt may (Hồng Kông). Một công ty của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần đến 30 héc ta đất để làm khu liên hợp dệt nhuộm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, do hai dự án này đều có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên thành phố đã từ chối tiếp nhận.

Để đảm bảo môi trường du lịch và phát triển bền vững, Đà Nẵng có chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch.

Đà Nẵng không phải là địa phương duy nhất hiện nay biết “lắc đầu” với những dự án FDI có vốn lớn nhưng có thể gây ô nhiễm môi trường dù thu hút nguồn vốn nước ngoài của địa phương này vào năm ngoái giảm đến gần một nửa so với năm 2013. Trước đó nhiều địa phương khu vực phía Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai… cũng đã lên tiếng không thu hút những dự án sản xuất có thể gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều đất đai nhưng hiệu quả kinh tế không cao hoặc sử dụng phần lớn lao động phổ thông.

Ngay cả Hải Dương không phải là địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư so với nhiều tỉnh thành khác, nhưng mới đây cũng đã đưa ra sáu lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư, bao gồm dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm); sản xuất da, giày da và các sản phẩm có liên quan và trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da; sản xuất nhựa tổng hợp, composit, sản xuất giấy từ bột giấy, cao su…

Các lĩnh vực sản xuất mà chủ yếu khai thác từ nguồn tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, vật liệu xây dựng; khai thác thô không qua chế biến cũng thuộc diện bị Hải Dương tạm dừng thu hút đầu tư kể từ năm nay.

Vẫn cân nhắc

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sắp được ký, nhiều dự án dệt nhuộm FDI đã đổ vào Việt Nam để đón đầu cơ hội. Nếu như tất cả các địa phương đều nói “không” với các dự án này, liệu có hợp lý?

Trước đây TPHCM, Bình Dương hoặc Đồng Nai được xem là những địa phương tiên phong lên tiếng hạn chế thu hút đầu tư các dự án may mặc, dệt nhuộm có thể gây ô nhiễm hoặc sử dụng phần lớn lao động phổ thông thì giờ đây cả ba địa phương này đã có sự cân nhắc.

Dù không nằm trong diện tạm dừng thu hút đầu tư, nhưng một số ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm… hiện được Đồng Nai xếp vào diện thu hút đầu tư có điều kiện và chỉ được cấp phép vào các khu công nghiệp khi đáp ứng đầy đủ những quy định về xử lý chất thải.
Tương tự đối với Bình Dương, những dự án đầu tư dệt may nếu có một phần công đoạn nhuộm thì tỉnh cũng xem xét vì đã quy hoạch một cụm công nghiệp lớn với đầy đủ hạ tầng để tiếp nhận đầu tư. Giống như Đồng Nai, với những dự án đầu tư dệt nhuộm, Bình Dương sẽ ràng buộc nhà đầu tư ngay từ đầu về điều kiện không gây ô nhiễm môi trường.

Tại TPHCM, theo ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TPHCM (Hepza), với dự báo thị trường dệt may toàn cầu sẽ tăng trưởng cùng với việc ký kết TPP của Việt Nam, chính quyền TPHCM đã chỉ đạo một số KCN như Đông Nam, Hiệp Phước... tiếp nhận các dự án trọng điểm ngành dệt may. Điều này, theo các chuyên gia, ít nhiều sẽ làm chệch hướng thu hút đầu tư của thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Hà, phần lớn các dự án dệt may mà Hepza lựa chọn là những dự án cao cấp, đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại và sử dụng lao động ở mức vừa phải chứ không phải những dự án dệt may gia công như những năm trước.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mỗi địa phương có thế mạnh riêng để phát triển kinh tế do đó cần có quy hoạch cụ thể, không nên trùng lắp. Bà đồng tình với cách làm của Đà Nẵng là thẳng thắn từ chối các dự án dệt nhuộm để bảo vệ ngành du lịch địa phương cũng như thu hút công nghệ cao, sản xuất sạch.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

HUST VIET NAM JSC

Văn phòng Hà Nội: I01 - L05, KĐTM Dương Nội, phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

ĐT: (+84) 24 2239 8811

Văn phòng Bình Dương:  Số 30/1 ĐL Hữu Nghị, khu phố Bình Đáng, P. Bình Hòa, Tp. Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Tel: (+84) 24 2239 8811

Email: info@hust.com.vn

© 2014 Bản quyền thuộc về Công ty Hust Việt Nam.