Doanh nghiệp FDI lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam
09/06/2015Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, nền kinh tế vĩ mô ổn định đi cùng với tiến trình hội nhập sẽ tạo cơ hội cho các công ty trong nước trong nước, giúp duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Lạc quan về môi trường kinh doanh
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp 2015 (VBF) diễn ra sáng nay, ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, các thành viên của EuroCham vẫn nhìn nhận lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đại diện của EuroCham, Chính phủ Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đàm phán một số Hiệp định Thương mại Tự do có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay.
“EuroCham tin rằng hai sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho các công ty trong nước thích ứng với các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, giúp duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam”, ông Tomaso nói.
Đại diện tới từ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV), Chủ tịch Shimon Tokuyama cho rằng, hiện tại, Việt Nam có nền kinh tế vĩ mô ổn định, là một trong các quốc gia lớn xuất khẩu sản phẩm lắp ráp gia công. Tương lai, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mục tiêu thực hiện tăng trưởng kinh tế tự lập dựa vào tăng trưởng sản xuất trong nước, trọng tâm chính sách đặt vào sự phát triển công nghiệp của thị trường trong nước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) - ông Sherry Bogger, Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế với Mỹ nói riêng. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng 20%, đạt 36,3 tỷ USD và tính đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD nếu xu thế này vẫn tiếp tục duy trì và có thể cao hơn với Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, năm 2014, Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho thị trường Mỹ đứng đầu ASEAN, trước cả Malaysia và Thái Lan. Việt Nam chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ, và có thể đạt 30% năm 2020, nếu xu thế hiện tại vẫn được tiếp tục phát huy.
Mặt khác, trong số các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ thấp nhất, chỉ đạt 5,7 tỷ USD năm 2014. Giá trị này có thể tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam cho các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ và các nước khác, cũng như các nhà nhập khẩu Việt Nam và nhà phân phối. Đồng thời, doanh thu của các doanh nghiệp hội viên AmCham và đối tác tại thị trường nội địa của Việt Nam tiếp tục tăng, nhiều công ty AmCham đã tăng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tìm chỗ đứng “chủ đạo” cho công nghiệp hỗ trợ
Ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch thường trực VBF cho rằng, các chính sách về phát triển công nghiệp nặng (xi măng, thép, khai khoáng..), công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may... thậm chí gần đây là công nghiệp cho nông nghiệp nông thôn chưa mang lại hiệu quả cao, thậm chí có những chính sách sai lầm không đem lại sự phát triển cho ngành.
Theo ông Vương, trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ, một trong những nền tảng cơ bản của một nền sản xuất công nghiệp rất vừa vặn với sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp tư nhân, có rất nhiều các hình mẫu thành công trước đó (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) đã không được nhìn nhận đúng vai trò và mất quá nhiều thời gian để ban hành cho nó một bộ luật riêng.
Để duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế và cải thiện ngành công nghiệp chế tạo, Chủ tịch JBAV cho rằng, trong bối cảnh năm hội nhập ASEAN toàn diện vào năm 2018, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, hỗ trợ trong nước đối với ngành công nghiệp sản xuất chế tạo để duy trì năng lực cạnh tranh về chi phí nhân công là cần thiết.
Theo đó, vị này cho rằng, từ 1/1/2015, mức lương tối thiểu vùng đã tăng 14%, cao hơn hẳn chỉsố giá tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại, trong ngành gia công lắp ráp, chi phí nhân công ngày càng tăng là một điều đáng lo ngại. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu quá mức sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, JBAV cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi quy định về thời gian làm thêm ngoài giờ.
“Thời gian làm ngoài giờ theo quy định không được quá 4 tiếng mỗi ngày, 30 tiếng mỗi tuần và 200 tiếng mỗi năm. Người sử dụng lao động vi phạm quy định này sẽ phải chịu một số hình thức xử lý nặng. Tuy nhiên, để bảo đảm kịp tiến độ sản xuất trong khi vẫn tuân thủ quy định về thời gian làm ngoài giờ, người sử dụng lao động sẽ buộc phải tăng số ca, từ đó kéo theo chi phí nhân công tăng đáng kể. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy không ít người lao động sẵn sàng làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập”, Shimon Tokuyama nói.
Theo Dân trí