Hust_Logo_New2.png

BannerHUST1.jpg


Để lợi ích của vốn FDI không chỉ là luồng tiền

07/05/2015

Gần đây, có nhiều thông tin phản ánh xu hướng dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam (từ Trung Quốc) hoặc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam như điểm đến thích hợp. Sự dịch chuyển dòng vốn này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ đối tác nước ngoài

Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ đối tác nước ngoài. Trong ảnh: Tham quan triển lãm về công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Quốc Hùng

Ở khía cạnh tích cực, rõ ràng điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn lợi thế về lao động giá rẻ (với tay nghề tương đối tốt); ưu thế về việc nằm gần chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Nó đồng thời cũng đem lại cho Việt Nam một nguồn vốn giải ngân ổn định ở ngưỡng 10-12 tỉ đô la Mỹ/năm. Với những đóng góp như đã nêu trên, vốn FDI trước mắt vẫn góp phần quan trọng vào tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu và chiếm vị trí gần như tuyệt đối trong xuất khẩu tại các phân khúc có hàm lượng kỹ thuật cao cho thấy dường như chỉ có doanh nghiệp nước ngoài tận dụng được chính sách mở cửa của Việt Nam còn doanh nghiệp bản địa thì thậm chí bị chê là đang “thua ngay trên sân nhà”. Sự cải thiện chậm chạp về việc gia nhập chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị khu vực của Việt Nam cũng là một điểm đáng để nhìn lại chính sách thu hút nguồn vốn này. Bên cạnh đó, những câu chuyện về môi trường, về lương công nhân tại các khu công nghiệp nhiều khi không đủ trang trải sinh hoạt cũng cho thấy mục tiêu cơ bản nhất trong việc thu hút vốn FDI cũng cần kiểm định thêm.

Với việc 75% vốn FDI đến từ các nền kinh tế phát triển, rõ ràng Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tạo ra tăng trưởng bền vững đi liền với nâng cấp chất lượng ngành và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bản địa.

Để vốn FDI không chỉ là dòng tiền ra - vào, còn phần giá trị thặng dư đi ra cùng dòng vốn, thì việc thu hút FDI của Việt Nam cần đi liền với một số điều chỉnh sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là về (i) hiệu quả của thị trường lao động; (ii) quy mô thị trường và (iii) đổi mới sáng tạo. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc cải thiện thể chế có thể bị xóa nhòa nếu không có cải thiện thực chất ở các khâu trên. Việt Nam bị hạn chế bởi quy mô thị trường nhưng điều này có thể được khắc phục nếu có thị trường lao động và hoạt động đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn.

Thứ hai, kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á và bốn con hổ Đông Nam Á cho thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP ở mức cao chưa phải là chìa khóa của tăng trưởng cao, điều quan trọng là nguồn vốn tích lũy được phải được phân bổ hiệu quả. Điều này cũng đúng với việc sử dụng vốn FDI. 70% vốn FDI đang tập trung vào lĩnh vực chế tạo, chế biến nhưng mức độ cải thiện hàm lượng kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, lại chủ yếu do doanh nghiệp FDI thực hiện. Để có thể cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn (i) dựa vào quan hệ làm ăn với các công ty xuyên quốc gia để mở cửa sang các thị trường phụ cận như Lào, Campuchia, Myanmar, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh khu vực. (ii) Chính phủ phát triển công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài nhà nước lớn mạnh. 

Thứ ba, việc quản lý vốn FDI cần tránh hành chính hóa. Trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore. Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore (EDB) được thành lập năm 1961 với mục tiêu thu hút các công ty đa quốc gia trong những ngành thâm dụng lao động. Sau khi tìm hiểu kỹ càng, EDB có các gói cơ chế ưu đãi riêng cho từng công ty lớn để thu hút vốn. Sau này, khi Singapore đã phát triển, EDB chuyển trọng tâm thu hút vốn sang lĩnh vực dịch vụ và sản xuất có trình độ công nghệ cao hơn cũng như nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước một cách khôn ngoan nhất đến thế giới. Mức lương của lãnh đạo EDB ngang với tổng giám đốc doanh nghiệp còn lương khởi điểm thì cao hơn 5% so với khu vực kinh tế tư nhân.

Trong 10 năm trở lại đây vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2015), khu vực FDI vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam với đóng góp 20% GDP, 22% vốn đầu tư, khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu và giải quyết 25% việc làm cho khu vực ngoài nhà nước. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật cao đã giúp cải thiện lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong các ngành này.

Trong bối cảnh năm 2015 là năm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các chính sách về FDI của Việt Nam sẽ cần có một số điều chỉnh. Trong đó áp lực lớn nhất đến từ cạnh tranh thu hút đầu tư từ Lào, Campuchia hay Myanmar do chi phí thấp cũng như các chương trình kết nối cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại khu vực này.

Đặc biệt, nếu Quốc hội Mỹ trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama, mở đường cho việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính sách FDI của Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề hơn nữa trong bối cảnh chúng ta là một nền kinh tế đang phát triển.

Thứ nhất là đối diện với cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước (ISDS). Cơ chế này khiến việc bảo hộ thị trường đầu tư của Chính phủ sẽ dần mất hiệu lực.
Thứ hai, với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển từ cách tiếp cận chọn - cho sang chọn - bỏ khi lập danh mục bảo lưu (đầu tư) cũng là một thách thức, do khả năng dự báo khuynh hướng phát triển ngành còn thấp.

Thứ ba, khó khăn đến từ việc áp dụng cơ chế điều chỉnh pháp luật theo nguyên tắc không kém thuận lợi hơn cho nhà đầu tư so với thời điểm điều chỉnh (cơ chế ratchet).

Cuối cùng, việc doanh nghiệp các nước nằm ngoài TPP (như Trung Quốc) đã nhanh chân đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi có thể làm chậm sự chuyển dịch cơ cấu vốn FDI theo ngành cũng như làm trầm trọng thêm các vấn đề về môi trường và lao động.

Với việc chỉ có 15% vốn FDI đến từ ASEAN trong khi đó khoảng 75% đến từ các nền kinh tế phát triển khác, rõ ràng Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tạo ra tăng trưởng bền vững đi liền với nâng cấp chất lượng ngành và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bản địa. Điều này cần được tính tới với kinh nghiệm hơn 20 năm qua cũng như những cục diện mới mà Việt Nam đang tham gia.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

HUST VIET NAM JSC

Văn phòng Hà Nội: I01 - L05, KĐTM Dương Nội, phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

ĐT: (+84) 24 2239 8811

Văn phòng Bình Dương:  Số 30/1 ĐL Hữu Nghị, khu phố Bình Đáng, P. Bình Hòa, Tp. Thuận An, Tỉnh Bình Dương

Tel: (+84) 24 2239 8811

Email: info@hust.com.vn

© 2014 Bản quyền thuộc về Công ty Hust Việt Nam.