Cuộc chiến giành FDI công nghệ cao (phần 2)
30/01/2015Tại Đông Nam Á, đối thủ lớn của Việt Nam trong cuộc đua thu hút FDI công nghệ cao là Myanmar và Indonesia
Trong cuộc đua thu hút FDI, mọi chuyện sẽ không đơn giản vì ngoài Việt Nam, khá nhiều quốc gia khác cũng rất nỗ lực để cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư FDI công nghệ cao. Thậm chí nếu mang lên bàn cân so sánh, cũng chưa thể nói Việt Nam có ưu thế vượt trội. Ví dụ, bên cạnh Việt Nam, Microsoft cũng đang xem xét một số địa điểm khác để tăng đầu tư. Hiện nay quy mô sản xuất của Tập đoàn ở hai quốc gia châu Mỹ lân cận với Mỹ là Mexico và Brazil đã được cải thiện đáng kể phần nào thay thế sản lượng sụt giảm ở Trung Quốc.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng gặp nhiều đối thủ đáng gờm, đặc biệt là Indonesia. Năm ngoái Indonesia đã bầu ra vị Tổng thống mới, ông Joko Widodo, người mang trong mình những tham vọng lớn về cải cách, tạo động lực đưa quốc gia 250 triệu dân trở thành một thế lực hùng cường trong khu vực.
Thủ đô Indonesia
Ngoài lợi thế về quy mô của thị trường tiêu thụ nội địa, chi phí lao động của Indonesia cũng rất cạnh tranh với mức trung bình chỉ 1.163 USD/năm, thấp khoảng 2 lần so với Trung Quốc. Chính phủ của Tổng thống Widodo cũng đang xem xét loại bỏ những rào cản về mặt luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động. Nhờ những động thái mới này, Indonesia đang dần nổi lên là một địa điểm đầu tư hấp dẫn mới ở châu Á, sau Trung Quốc.
Theo Công ty Tư vấn InvestAsian, khá nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã mở nhà máy ở Indonesia trong những năm qua để sản xuất thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, trong khi một số công ty khác cũng đang có kế hoạch tương tự. Những tên tuổi quốc tế lớn hoạt động ở Indonesia có thể kể đến Opps, Haier, ZTE.
Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng quốc tế, Indonesia cũng khá thành công trong việc phát triển các thương hiệu nội địa trong lĩnh vực công nghệ cao, từ sản xuất các bộ phận đến công đoạn lắp ráp hoàn chỉnh. Điển hình là các tập đoàn Polytron, Evercoss, Advan với mục tiêu sản xuất hàng chục ngàn điện thoại thông minh, máy tính bảng mỗi tháng. Mặc dù các công ty này hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng họ đang kỳ vọng sẽ có khả năng độc lập hoàn toàn chỉ trong vài năm tới.
Rõ ràng, nếu so với Việt Nam, Indonesia có nhiều điểm tương đồng để các tập đoàn quốc tế cân nhắc lựa chọn. Thậm chí ở một số tiêu chí như quy mô thị trường, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ, Indonesia vượt trội hơn Việt Nam rất nhiều.
Thủ đô Myanmar
Một đối thủ tiềm tàng khác là Myanmar. Kể từ khi tiến hành cải cách theo hướng tự do, dân chủ và mở cửa hội nhập quốc tế, luồng vốn FDI đổ vào quốc gia này không ngừng tăng. Năm ngoái, tổng vốn FDI đăng ký vào Myanmar ước tính đạt tới 7 tỉ USD, mức cao nhất từ năm 2011 đến nay và tăng đến 70% so với năm trước đó.
Trong khi đó, mặc dù triển vọng thu hút FDI của Việt Nam vẫn khả quan, nhưng thực tế đã cho thấy dấu hiệu chậm lại. Năm ngoái, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam giảm nhẹ 6,5%, chỉ đạt 20,2 tỉ USD.
theo Nguyễn Sơn