Công nghiệp hỗ trợ: Cần thay đổi tư duy
02/06/2015Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những yêu cầu quan trọng để đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Để thúc đẩy lĩnh vực này, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi về cơ chế...
Tuy nhiên đến thời điểm này, những thay đổi về năng lực của ngành CNHT Việt Nam còn chưa rõ ràng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến CNHT. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD/năm, nhưng vẫn đang lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu, máy móc thiết bị, linh kiện nhập khẩu. Phần tham gia của DN Việt Nam vẫn chủ yếu là ở khâu đóng gói, bao bì…
Hiện trạng này làm cho tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm, điển hình là các ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, dệt may, da giày.
Nhìn về tương lai, triển vọng cũng không mấy sáng sủa. Nguyên nhân là do phần lớn các DN tư nhân trong nước tham gia ngành CNHT có quy mô nhỏ và vừa, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, các DNNN vẫn thiếu liên kết để tham gia thầu phụ công nghiệp. Vì vậy, các DN này khó tìm kiếm được những thông tin về khả năng giao thầu của DN lớn, nhất là DN nước ngoài. Ngược lại, các DN nước ngoài cũng ít thông tin về DN Việt Nam.
Cùng với đó, các cụm công nghiệp cũng được hình thành một cách thiếu quy hoạch tổng thể, chủ yếu để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất hơn là việc tạo nên chuỗi giá trị thông qua việc liên kết DN… Và mặc dù nhận thức được vai trò quan trọng của CNHT đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, nhưng sự đầu tư các nguồn lực, chính sách cho ngành CNHT cũng chưa tương xứng.
Nói về thực trạng ngành CNHT Việt Nam, GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, cần phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo và tư duy của DN trong việc nhận thức vai trò và cách thức tiến hành CNHT. Cụ thể là phải thay đổi cả tư duy của người quản lý, người hoạch định chính sách. Cơ chế phải được coi là phương tiện mở đường cho các dự án phát triển CNHT, đặc biệt là phát huy các DN CNHT hiện nay và thúc đẩy các đầu tư mới trong ngành.
Đồng thời, cần thiết kế mô hình liên kết cho việc phát triển CNHT, gắn với DN đã có thị trường để kéo các DN này tham gia vào chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần có các chính sách tiêu chuẩn hóa về mặt hàng sản phẩm để DN có thị trường rộng hơn, cũng như có cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ các DN trong việc quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh…
Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển CNHT, phát triển số lượng và nâng cao năng lực DN CNHT nội địa, phát triển khoa học công nghệ cho CNHT, đào tạo nguồn nhân lực CNHT. Cùng với đó, cần chú trọng đẩy mạnh thực hiện kết nối DN FDI với DN nội địa; củng cố, nâng cao vai trò của hiệp hội ngành nghề; nâng cao tính chuyên nghiệp của hội chợ CNHT; hỗ trợ DN CNHT tìm kiếm đối tác; hình thành những ngành CNHT chủ lực…
Đặc biệt, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Nhà nước và các DN sản xuất cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế khuyến khích, khen thưởng cho những phát minh, sáng chế hay cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng, làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm CNHT, từng bước khẳng định vị trí ngành CNHT tại thị trường nội địa.
Theo Thời báo Ngân hàng