Chọn lọc chính sách để phát triển công nghiệp
24/06/2015Tại Hội thảo Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa diễn ra, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: chính sách để phát triển công nghiệp ở nước ta trong thời gian qua đã có nhiều nhưng chưa hiệu quả, do đó, phải có sự chọn lọc. Nếu chính sách chung chung, dàn trải thì không cách gì chúng ta làm được.
Tạo dựng môi trường cho ngành công nghiệp phát triển
Chính sách phát triển công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong tổng thể quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng. Để hướng tới hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016 - 2020, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định, nhất thiết phải có sự thay đổi trong chính sách phát triển công nghiệp. Đặc biệt, phải chọn lọc chính sách. Cụ thể, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách tạo dựng môi trường thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển và chính sách ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Vương Đình Huệ, để tạo dựng môi trường thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và tác động của khu vực FDI trong nền kinh tế. Khu vực kinh tế trong nước có phát triển, có thâm nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực bản thân các doanh nghiệp nội địa và môi trường kinh doanh trong nước chứ không thể trông cậy và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, nên tập trung thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển công nghiệp. Loại hình doanh nghiệp này chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp trong nước, đóng góp gần 50% GDP cả nước nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 10% trong xuất khẩu. Cần cân bằng những ưu đãi như khả năng tiếp cận nguồn vốn và cơ hội kinh doanh với những doanh nghiệp này, thay vì chỉ tập trung ưu đãi doanh nghiệp FDI như hiện nay để thúc đẩy sự đóng góp của họ vào quá trình phát triển công nghiệp.
Lựa chọn lợi thế so sánh vượt trội
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTG phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách phát triển. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, đến nay, kết quả phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn và ưu tiên này đều rất khiêm tốn. Số ngành có thể làm chủ từ khâu quy hoạch, lên kế hoạch, thiết kế, thi công... chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, các ngành chế tạo, điện tử do doanh nghiệp FDI dẫn đầu mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp, sử dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi về đất đai hạ tầng và thuế. Đầu tư phát triển chiều sâu chưa nhiều.
Để xác định được đúng và trúng các ngành mũi nhọn, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, phải xác định được ngành có thế mạnh chỉ riêng có của Việt Nam hay nói cách khác Việt Nam có những lợi thế so sánh vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Bước tiếp theo là đề ra các chính sách và thực hiện như thế nào để thành công. Bởi mấu chốt của quá trình phát triển công nghiệp là ở việc xây dựng và thực thi các chính sách nhằm phát triển ngành chứ không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn được ngành công nghiệp mũi nhọn.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, thông qua cơ chế thị trường cạnh tranh hiện nay, nên giảm các chính sách công nghiệp mang tính chất can thiệp theo chiều dọc với khu vực doanh nghiệp nhà nước để chuyển dần sang các chính sách can thiệp theo chiều ngang, kết nối khu vực tư nhân. Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành này có ý nghĩa quyết định bởi suy cho cùng doanh nghiệp mới là người đầu tư để phát triển các ngành này chứ không phải là ý chí chủ quan của các nhà quản lý. Chính phủ lúc này sẽ chỉ tạo ra môi trường thuận lợi chứ không áp đặt mối liên kết giữa doanh nghiệp, thực hiện chuyển giao công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng ý với ý kiến trên, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria KwaKwa cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn là chìa khóa mấu chốt cho sự phát triển công nghiệp. Chính phủ có thể thông qua chính sách để thúc đẩy sự phát triển của ngành nào đó nhưng cuối cùng thì khu vực tư nhân vẫn là những người tạo ra sản phẩm. Hướng tới xây dựng Đề án Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035,Việt Nam phải thật sự chọn lọc, không để xảy ra tình trạng chính sách chung chung, dàn trải. Đặc biệt, cần tăng cường chính sách đối thoại với khu vực tư nhân để giải đáp các vướng mắc và hỗ trợ họ. Không có đất nước nào thực hiện được công nghiệp hóa mà chỉ sử dụng khu vực tư nhân nước ngoài, thiếu khu vực tư nhân trong nước.