Cần thay đổi tư duy về thu hút đầu tư nước ngoài
27/05/2015Đất đai và các ưu đãi về thuế thường được các địa phương đưa ra như là lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng đã đến lúc tư duy này cần phải thay đổi trên cả bình diện địa phương lẫn quốc gia, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Theo bà Lan, đã đến lúc các địa phương phải quan tâm coi ngành công nghiệp phụ trợ và trình độ nhân lực như là các yếu tố cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp FDI thay vì dựa vào đất đai và ưu đãi thuế. Điều này không bền vững và cũng sẽ dẫn đến những bất công, đồng thời gây bức xúc đối với doanh nghiệp trong nước, bà Lan chia sẻ tại buổi nói chuyện ngày 19-5 do trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Theo bà Lan, trung bình mỗi dự án FDI thường kéo dài hai năm từ lúc nhà đầu tư bày tỏ ý định cho đến lúc hoàn tất xây dựng và hoạt động, một khoảng thời gian đủ dài để địa phương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các dự án.
Về ngành công nghiệp phụ trợ, bà Lan nhận xét rằng lâu nay Bộ Công Thương luôn mỏi mắt tìm các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài công ty tham gia, và chỉ làm được một số ít sản phẩm.
“Các doanh nghiệp phụ trợ thường có chung một nỗi lo là ‘nếu chúng tôi đầu tư làm sản phẩm mới mà doanh nghiệp FDI không mua thì sao’. Lý do đó làm họ rất ngại đổi mới và cũng không có động lực đổi mới vì doanh thu hiện tại vẫn giúp họ sống được,” bà Lan nói.
Từ thực tế đó, bà Lan gợi ý các địa phương nên quan tâm đến những nhà khởi nghiệp trẻ, bởi họ là những người được học hành bài bản, có kiến thức, có nhiệt huyết và đủ can đảm để dấn thân. Hãy tạo điều kiện cho họ phát triển bằng những chính sách ưu đãi về đất, về lãi suất…
Đề cập đến ngành công nghiệp ô tô, bà Lan chia sẻ, Việt Nam đã có nhiều cơ hội khi Nhật chọn chúng ta là nơi đầu tiên để lắp ráp xe chứ không phải Thái Lan. Nhưng khi ấy, chính phủ Thái Lan đã thực hiện một bước đi khôn ngoan là mời Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ ở đất nước này. Và thời gian cho thấy ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đã có những thành công nhất định.
“Hiện Nhật đang chuyển dây chuyền sản xuất các dòng xe hơi cao cấp sang Thái Lan. Một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ mới sẽ đi kèm và các ngành công nghiệp phụ trợ cũ sẽ được chuyển sang nhóm bốn nước khu vực sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Campuchia, và Myanmar, nơi có chi phí sản xuất rẻ hơn, đồng thời ưu đãi cũng nhiều hơn,” bà Lan nói.
“Thật chẳng mấy tự hào khi Việt Nam luôn là sự lựa chọn sau cùng theo kiểu China-plus-one (Trung Quốc cộng thêm một) hoặc Thailand-plus-one trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên đó là sự thật và bây giờ là thời điểm chúng ta phải quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ nếu không muốn tiếp tục lỡ hẹn với các cơ hội,” vị chuyên gia này nhắn nhủ.
Trích dẫn ý kiến của đại diện các công ty Nhật cho rằng mỗi công ty sản xuất ô tô lớn cần trung bình 3.000 doanh nghiệp phụ trợ, bà Lan khẳng định rằng đây vẫn là cơ hội lớn đối với ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Từ câu chuyện Honda đến FTA với Hàn Quốc
Khi Honda Việt Nam công bố tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong sản xuất xe máy lên đến 95% thì nhiều người vội vui mừng cho rằng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển.
"Tuy nhiên khi chúng tôi thực hiện khảo sát chuyên sâu thì phát hiện là trong 95% sản phẩm được nội địa hoá thì có đến 85% do các doanh nghiệp Nhật đầu tư sản xuất, Việt Nam chỉ chiếm 15% mà thôi," bà Lan nói.
Từ câu chuyện này, vị chuyên gia chỉ rõ nguy cơ của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp phụ trợ thuộc khối FDI mạnh về vốn, tốt về công nghệ và nhiều kinh nghiệm.
Các doanh nghiệp phụ trợ thường đi theo các doanh nghiệp FDI lớn và do vậy cũng thường được hưởng cùng các chế độ ưu đãi. Như vậy, chưa kể những chênh lệch về vốn, công nghệ và kinh nghiệm, chỉ xét riêng yếu tố ưu đãi, doanh nghiệp Việt Nam đã không bằng. Điều đó càng làm cho việc tham gia ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam khó khăn hơn.
Cũng trong câu chuyện liên quan đến FDI, theo vị chuyên gia này, khi Việt Nam ký các thỏa thuận với các doanh nghiệp trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, luôn có những cam kết họ phải thực hiện như chuyển giao công nghệ, nâng cao tay nghề nhân công, tỷ lệ nội địa hóa … Tuy nhiên thực tế cho thấy trong khi doanh nghiệp FDI luôn biết cách đòi quyền lợi của mình theo thỏa thuận thì ngược lại, chúng ta lại nương tay khi họ không thực hiện các cam kết. Đáng lý ra, chúng ta phải cắt hoặc thậm chí bắt họ hoàn lại các ưu đãi đã nhận, bà Lan nói.
Từ câu chuyện Honda chuyển sang câu chuyện về FTA Hàn Quốc, bà Lan tâm sự: “Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ chuyển giao 300 ngành công nghệ phụ trợ cho Việt Nam. Đây thật sự là một cơ hội nhưng nếu chúng ta không biết cách nắm bắt thực hiện thì mọi chuyện cũng sẽ tương tự những gì đang diễn ra với Honda hoặc Samsung mà thôi.”
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn